NANO PLASTIC VÀ TÁC ĐỘNG TIỀM ẨN ĐẾN SỨC KHỎE
“Nano plastic” tưởng chừng như mới xuất hiện gần đây, nhưng thật ra chúng đã lặng lẽ hiện diện trong môi trường từ rất lâu rồi – chỉ là giờ đây con người mới bắt đầu nhận ra mức độ nghiêm trọng của chúng. Chúng là sản phẩm của quá trình phân giã của chai nhựa, ly nhựa dùng một lần, hộp được thức ăn nhanh… Vì quá nhỏ, chúng không thể nhìn thấy bằng mắt thường, nên rất lâu chúng ta không để ý tới sự hiện diện của chúng. Vậy hôm nay, hãy cùng Nhựa Vĩ Hưng tìm hiểu về nano plastics nhé!

Định nghĩa về Nano plastic
Nano plastic (NPs) có kích thước từ 1 nm đến 1 μm có nguồn gốc từ các các polyme tổng, nhỏ hơn rất nhiều lần so với kích thước của hạt vi nhựa nhìn thấy bằng mắt thường.

Kích thước cực nhỏ của Nano plastic mang lại cho chúng những đặc tính lý hóa độc đáo, đáng chú ý nhất là tỷ lệ diện tích bề mặt trên thể tích hoặc khối lượng tăng lên đáng kể. Vậy điều này dẫn đến:
- Tăng độ phản ứng: Vì có nhiều bề mặt tiếp xúc hơn, các hạt nhựa nano dễ dàng hấp phụ (bám dính) hoặc tương tác với các chất xung quanh.
- Mang chất độc đi khắp nơi: Chúng có diện tích bề mặt rất lớn so với kích thước, điều này khiến chúng dễ “bám” các chất độc hại như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, hay hóa chất độc trong môi trường. → khi vào cơ thể người hoặc sinh vật, chúng có thể mang độc tố đi sâu hơn, thậm chí đến tận tế bào hoặc các cơ quan như não, gan…
Phân loại
Nano Plastic chủ yếu bắt nguồn từ hai nguồn chính: chất thải nhựa sơ cấp và dẫn xuất thứ cấp.
- Nano Plastic sơ cấp: Là các hạt nhựa nano được sản xuất trực tiếp với mục đích sử dụng trong mỹ phẩm (như sữa rửa mặt, gel tẩy tế bào chết), y học (vận chuyển thuốc, hình ảnh y khoa), và công nghiệp. Những sản phẩm này sau khi sử dụng có thể đi thẳng ra môi trường mà không được kiểm soát chặt chẽ.
Hạt nano plastics có trong một số sản phẩm kém chất lượng (Ảnh sưu tầm)
- Nano Plastic thứ cấp: Là các hạt nano được tạo ra do sự phân hủy của các mảnh nhựa lớn hơn (túi nilon, chai nhựa, lốp xe…). Những nguồn phổ biến gồm bụi đường, lốp xe mòn, nước thải giặt đồ polyester, dụng cụ đánh cá và sơn tàu. Dù có cải thiện quản lý rác thải, các nguồn này vẫn liên tục phát sinh, đòi hỏi thay đổi cả ở khâu thiết kế sản phẩm và thói quen sử dụng hàng ngày (ví dụ: bộ lọc sợi vi mô trên máy giặt) để thực sự giảm thiểu vấn đề.

Nguồn gốc
Nano plastic xâm nhập vào môi trường thông qua nhiều con đường phức tạp, bắt nguồn từ cả quá trình tự nhiên lẫn hoạt động của con người. Chúng không xuất hiện ngay từ đầu, mà được hình thành từ việc phân rã dần dần của các sản phẩm nhựa (Đặc biệt là nhựa dùng một lần).
Chúng được tạo thành qua:
- Tác động vật lý như gió, sóng, nhiệt độ và ma sát khiến nhựa bị vỡ vụn.
- Ánh nắng mặt trời (tia UV) phá vỡ các liên kết hóa học trong nhựa.
- Hóa chất môi trường như muối biển, axit trong đất cũng làm nhựa nhanh hỏng hơn.
- Vi sinh vật (vi khuẩn, nấm) có thể tiết ra enzyme giúp phá hủy cấu trúc nhựa thành các hạt siêu nhỏ.
Nano Plastic xuất hiện ở những đâu?
Trong nước: Nano plastic được tìm thấy ở khắp các nguồn nước, từ đại dương, sông ngòi đến cả nước máy và nước đóng chai. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trong 1 lít nước chai có thể chứa đến hàng trăm nghìn hạt nhựa, mà phần lớn trong đó là nano plastic. Ngay cả những hệ thống lọc nước hiện đại cũng không thể loại bỏ hoàn toàn các hạt nhựa này.

Trong không khí: Nano plastic có thể phát sinh từ nhiều nguồn như bụi lốp xe, khí thải công nghiệp hoặc quá trình đốt rác. Các hạt nhựa li ti này sau đó theo gió phát tán đi khắp nơi và được phát hiện trong mưa, tuyết, thậm chí cả bụi trong nhà. Điều đó có nghĩa là con người có thể hít phải nano plastic mỗi ngày mà không hề hay biết.

Trong đất: Nano plastic cũng hiện diện trong môi trường đất, đặc biệt là đất nông nghiệp. Chúng đến từ phân bón, rác thải sinh hoạt hoặc trực tiếp từ các bãi rác. Những hạt nhựa này có thể thấm sâu vào lòng đất, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái dưới đất cũng như đe dọa chất lượng nguồn nước ngầm.

Phương pháp phát hiện
Vì có kích thước cực kỳ nhỏ, chỉ tính bằng nano mét (nhỏ hơn cả virus), các hạt nano plastic hoàn toàn không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chính điều này khiến chúng trở thành “kẻ vô hình” trong môi trường sống và cơ thể con người.
Để phát hiện được sự hiện diện của chúng, các nhà khoa học cần sử dụng đến những hệ thống đo đạc và phân tích hiện đại như kính hiển vi điện tử, quang phổ Raman tăng cường, cảm biến sinh học hoặc công nghệ hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Những thiết bị này giúp xác định chính xác hình dạng, kích thước và thành phần của hạt nhựa, từ đó mở ra cơ hội nghiên cứu sâu hơn về tác động của nano plastic đối với môi trường và sức khỏe con người.

Nano Plastic gây hại gì cho môi trường?
Gây ô nhiễm nước:
Nano plastic hiện diện rộng rãi trong nước biển, sông suối, nước máy và cả nước đóng chai. Chúng không chỉ làm suy giảm chất lượng nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật sống dưới nước, từ tảo, động vật phù du đến cá và các loài thủy sinh khác.

Gây ô nhiễm không khí:
Những hạt nano plastic siêu nhỏ có thể bay lơ lửng trong không khí, xuất phát từ bụi đường, khí thải công nghiệp hoặc lốp xe bị mài mòn. Chúng có thể dễ dàng bị con người và động vật hít vào, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp.

Gây ô nhiễm đất:
Nano plastic có thể theo nước mưa, phân bón, hoặc nước thải thấm vào đất. Chúng không chỉ làm thay đổi cấu trúc và tính chất của đất mà còn ngấm sâu xuống lòng đất, gây ảnh hưởng đến cây trồng và hệ sinh thái trong đất.

Phá vỡ chuỗi sinh thái:
Các sinh vật nhỏ như tảo và động vật phù du có thể ăn phải nano plastic. Từ đó, các chất này tích tụ dần trong chuỗi thức ăn qua cá nhỏ, cá lớn rồi đến con người. Đáng lo ngại hơn, nano plastic thường mang theo nhiều chất độc hại như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, làm tăng độc tính trong cơ thể sinh vật và gây rối loạn sinh học trên diện rộng.
Nano Plastic ảnh hưởng gì đến cơ thể con người?
Hệ tiêu hoá
Khi nano plastic đi vào cơ thể qua thực phẩm hoặc nước uống, chúng có thể gây rối loạn tiêu hoá, viêm ruột và làm suy yếu hệ miễn dịch. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, việc tiếp xúc lâu dài còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư đường ruột.

Hệ hô hấp
Nano plastic có thể bị hít vào qua không khí. Những hạt siêu nhỏ này gây kích ứng đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi, hen suyễn, thậm chí có thể gây xơ phổi hoặc ung thư phổi nếu tiếp xúc kéo dài.

Hệ thần kinh
Một số nghiên cứu cho thấy nano plastic có khả năng vượt qua hàng rào máu não, xâm nhập vào não bộ. Từ đó, chúng có thể gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và có liên hệ với các bệnh lý thần kinh như mất trí nhớ (Alzheimer).

Rối loạn hormone
Nano plastic có thể làm mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Sự rối loạn này ảnh hưởng đến hoạt động của tim mạch, khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư do nội tiết.

Ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản
Các nhà khoa học đã phát hiện nano plastic có mặt trong nhau thai, sữa mẹ và cả tinh dịch. Điều này đặt ra mối lo ngại lớn về việc ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, sức khoẻ sinh sản và sự di truyền qua thế hệ.

Gây viêm tế bào toàn thân
Hầu hết các tế bào trong cơ thể đều phản ứng viêm khi tiếp xúc với nano plastic. Tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe mãn tính, làm suy yếu chức năng của các cơ quan và hệ thống miễn dịch.
Kết luận
Nano Plastic không còn là chuyện của tương lai – chúng đang ở ngay quanh ta, và có thể đang ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường sống mỗi ngày mà chúng ta không hề hay biết. Hãy hẹn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần thay vào các sản phẩm nhựa dùng nhiều lần để giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường. Tuy chỉ là một hành động nhỏ, nhưng nó là giải pháp để giải cứu hành tinh xanh khỏi hiểm họa môi trường. Cảm ơn bạn đã cùng Nhựa Vĩ Hưng tìm hiểu về chủ đề thú vị này!